Hỏi: Luật tiếp cận thông tin 2016 quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin, phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin và các hành vi bị nghiêm cấm?
Trả lời: Điều 8 Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06-4-2016, có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin đó là: (1) Công dân có quyền: a) Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; b) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. (2) Công dân có nghĩa vụ: a) Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; b) Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; c) Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam. |
Về phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 Luật này như sau:
1. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ Điều kiện theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mìnhnhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ Điều kiện theo quy định.
2. Cơ quan nhà nước trực tiếp tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin, trừ các trường hợp sau đây: a) Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tạo ra và thông tin do mình tạo ra; b) Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chủ tịch nước tạo ra và thông tin do mình tạo ra; c) Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo ra và thông tin do mình tạo ra; d) Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Đoàn đại biểu Quốc hội tạo ra và thông tin do mình tạo ra; đ) Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra; e) Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra; g) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tạo ra và thông tin do mình tạo ra; h) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho công dân cư trú trên địa bàn thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cung cấp cho công dân khác thông tin này trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ; i) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định đầu mối thực hiện cung cấp thông tin trong hệ thống tổ chức của mình.
Tại Điều 11 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: (1) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin. (2) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực. (3) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. (4) Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.
Thanh An
(Theo Luật tiếp cận thông tin năm 2016)